Hotline

0909 282 536

Ngành dệt may phải toan tính trong CPTPP
Xuất khẩu nghẽn xuất xứ
Khép lại năm 2018, ngành dệt may Việt Nam đón thông tin vui khi kim ngạch xuất khẩu đạt 36,1 tỷ USD, chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ngành dệt may Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt khoảng cách với nước đứng thứ 2 là Ấn Độ rất gần. Cơ hội để dệt may Việt Nam vươn lên trên thị trường thế giới là rất lớn khi CPTPP có hiệu lực. Cụ thể, ngành may sẽ được hưởng lợi ích từ việc gia tăng mức độ tiếp cận nhiều thị trường lớn, tiềm năng như Canada, Mexico, Chile… mà một số thị trường đó Việt Nam chưa ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA). 
Song để hưởng được lợi ích trong tương lai này, ngành may Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi. Quy định này đánh trúng vào điểm nghẽn của ngành may Việt Nam. Tại hội nghị đánh giá về cơ hội và thách cho DN trước cánh cửa CPTPP, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng: “Điểm nghẽn lớn nhất của ngành dệt may là Việt Nam chưa sản xuất được vải. Đây là lĩnh vực ngành đang rất yếu. Ngành cũng đã tìm mọi cách đưa ra giải pháp cho khâu vải, nhưng mức độ thành công chưa được như mong muốn”.
Ngành dệt may phải toan tính trong CPTPP ảnh 1Hàng hiệu bình dân nổi tiếng toàn cầu H&M đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam từ hơn 1 năm. 
 Cũng theo ông Cẩm, để giải quyết vấn đề này, hiệp hội đã đề xuất lên Chính phủ việc xây dựng những cụm công nghệ tập trung có công nghệ xử lý nước thải. Giải pháp thứ hai là đào tạo nguồn nhân lực, thí dụ như thiết bị dạy học, học phí và học bổng để thu hút học sinh sinh viên vào ngành dệt may. 
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cho rằng, vấn đề lớn nhất của ngành dệt may là sản xuất vải mà mấu chốt là vấn đề in, nhuộm... Tại các nước phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, DN lớn đều xây dựng chuỗi cung ứng, khu công nghiệp với hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Khi tập trung về một khu vực, các DN sẽ dễ dàng xử lý, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, các DN chỉ tập trung vào một khâu, còn khâu sản xuất vải sẽ được lấy từ các DN vừa và nhỏ ở các khu vực khác. Do vậy Việt Nam cần nghiên cứu, ứng dụng mô hình này.
Trên thực tế, ngoài điểm nghẽn chuỗi giá trị chưa đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ, thì cũng còn những điểm yếu khác trong ngành cần được thẳng thắn nhìn nhận, như hiện nay quy mô của các DN dệt may Việt Nam vẫn còn nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, trình độ quản trị, công nghệ vẫn còn hạn chế, điều này sẽ khiến DN yếu thế khi cạnh tranh với DN mạnh về hàng dệt may trong nội khối CPTPP như Mexico, Peru và Malaysia. Song hành với đó chi phí vân tải và logistics của DN dệt may Việt Nam vẫn còn ở mức cao, các chi phí này đã đẩy giá thành hàng dệt may Việt Nam lên cao. 

Nội địa phải thận trọng
Lâu nay khi nói đến cơ hội và thách thức cho ngành dệt may, vấn để chủ yếu vẫn là làm sao để gia tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Điều này cũng hoàn toàn hợp lý, do dệt may vẫn là ngành xuất khẩu chủ lực, mang về kim ngạch lớn trong suốt nhiều năm qua. Cũng chính vì vậy, thị trường nội địa lâu nay vẫn bị bỏ ngỏ. Các thương hiệu ngoại đang dần xâm chiếm niềm tin và sức mua của hơn 90 triệu dân Việt Nam, trong khi các thương hiệu nội đang ngày một mờ nhạt hơn. Và khi cánh cửa CPTPP mở rộng, sẽ có thêm nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam. 
Nhiều phân tích cũng chỉ ra rằng để được hưởng những lợi ích từ CPTPP, các DN dệt may Việt Nam phải vượt qua tác động hai mặt của việc cắt giảm thuế quan. Cụ thể, thuế cho ngành may mặc của các nước trong nội khối CPTPP sẽ giảm về 0% trong vòng 7 năm tới, Việt Nam có thể nới lỏng hơn tới 10 năm. Đó sẽ là cơ hội hàng hoá từ các nước mạnh về dệt may sẽ tiến công vào thị trường Việt Nam với giá cả cạnh tranh, nhờ lợi thế về năng suất cao và thương hiệu được nhiều người tiêu dùng biết tới từ trước đó. 
Một bằng chứng dễ thấy chính là thương hiệu thời trang của Nhật Bản Uniqlo, từ năm ngoái đã tung ra những thông tin sẽ mở cửa hàng đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2019. Nhưng trước khi thực hiện việc này, Uniqlo đã tiến hành mua lại 35% cổ phần của một thương hiệu thời trang trong nước vào hồi cuối năm ngoái.
Như vậy sau Zara, H&M, thì Uniqlo là thương hiệu thời trang bình dân nổi tiếng thế giới thứ 3 xuất hiện tại Việt Nam. Giám đốc một DN dệt may hiện đang dành 20% thị phần cho thị trường nội địa nhấn mạnh: “Sự xuất hiện của các thương hiệu ngoại có tuổi đời lâu, được người tiêu dùng tin yêu sẽ ngày càng làm thu hẹp miếng bánh thị phần của DN nội vốn đã rất khiêm tốn”. 
Có thể thấy thị trường dệt may nội địa Việt Nam với quy mô 4,5 tỷ USD/năm và tốc độ tăng trưởng hàng năm lên tới 20% đang là miếng bánh cực kỳ hấp dẫn các thương hiệu ngoại. Trong khi đó, các DN dệt may Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu gia công, may đơn hàng theo mẫu mã và chất liệu đặt hàng của nước ngoài, năng suất lao động lại thấp. Do đó, sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế còn yếu, điều này dễ dẫn đến nguy cơ có thể mất cả thị trường nội địa và nước ngoài vào tay đối thủ ngoại. 
Hotline: 0909 282 536
Chỉ đường icon zalo Zalo: 0909282536 SMS: 0909 282 536